Tài liệu ôn tập, ôn thi. Tài liệu luyện thi

Câu hỏi tình huống Luật tài chính

No comments
PHẦN I
GIỚI THIỆU TÌNH HUỐNG
Ông Phạm Văn Sơn, nghề nghiệp làm ruộng, ngụ tại ấp Cầu Hang, xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và bà Trần Thị Bích Ngọc đã lấy nhau hơn 4 năm nhưng không sinh con. Vào năm 1980, Ông Bà Sơn đến Trung tâm Cô Nhi Đồng Nai xin con nuôi và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết đầy đủ thủ tục pháp lý về việc xin nhận con nuôi có tên là Phạm Văn Đáp (lúc đó Đáp được 01 tuổi). Từ khi có anh Đáp, ba năm sau vợ chồng ông sinh thêm được 02 người con gái nữa lần lượt có tên là Đẹp và Đào.
Đầu năm 1993, hộ gia đình ông Sơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho 5 hécta đất nông nghiệp để trồng cà phê và cây ăn trái. Ông Sơn đã trồng cà phê và cây ăn trái trên hết diện tích đất nói trên. Hiện tại đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vào năm 2004, anh Đáp lập gia đình và xin ra ở riêng, tại xã Tam An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Gia đình anh Đáp sinh sống bằng nghề làm ruộng và đã tự mua được 01 hécta đất để trồng cây cà phê và cây ăn trái.
Năm 2007, Ông Sơn bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Trong lúc tang gia, mọi người xúm nhau dọn dẹp nhà cửa thì phát hiện di chúc của Ông Sơn (có công chứng của cơ quan nhà nước). Ông Sơn lập di chúc vào năm 2006 và để thừa kế lại cho anh Đáp 01 hécta đất trong tổng số 05 hécta đất nông nghiệp trồng cây cà phê và cây ăn trái; 01 xe gắn máy do ông Sơn đứng tên. Sau khi mở thừa kế, anh Đáp đã nhận 01 hécta đất, 01 xe gắn máy và Anh Đáp đầu tư hệ thống ống tưới tiêu để chăm sóc cho cà phê và cây ăn trái. Anh Đáp được hưởng thừa kế và làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng thì các em gái không đồng ý.
Thế là Bà Ngọc và các con đồng ký đơn gửi đến Ủy ban nhân dân xã Hóa An khởi kiện đòi lại 01 hécta đất mà Anh Đáp được hưởng thừa kế và 01 xe gắn máy với lý do như sau:
- Đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nên không được phân chia tài sản.
- Đất nông nghiệp thuộc thành viên của hộ gia đình nên không được để thừa kế cho con nuôi.
- Gia đình duy nhất có 01 xe gắn máy làm phương tiện (Ông Sơn vẫn còn đứng tên) nên không thể giao cho Anh Đáp.
- Anh Đáp không tận tình chăm sóc trong thời gian ông Sơn bị bệnh nên không được hưởng thừa kế của ông Sơn.
Sau khi nhận đơn của bà Ngọc, Ủy ban nhân dân xã Hóa An đã chuyển hồ sơ lên Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, Văn phòng Hội đồng nhân dân Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định hành chính chấp thuận nội dung khởi kiện của bà Ngọc, buộc anh Đáp phải giao lại 01 hécta đất trồng cây cà phê và cây ăn trái cho bà Ngọc. Anh Đáp vẫn được sử dụng xe gắn máy do ông Sơn cho, tặng (vì giá trị xe gắn máy không đáng kể). Mặt khác, bà Ngọc phải trả lại cho anh Đáp 15 triệu đồng, số tiền mà anh Đáp đã bỏ ra để đầu tư hệ thống ống ngầm tưới tiêu phục vụ cho việc trồng trọt và công chăm sóc cây cối.
Bất ngờ trước quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, anh Đáp đã làm đơn khiếu nại gửi đến phòng tiếp dân của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Nhằm làm rõ hơn vấn đề, chúng ta phân tích nguyên nhân và hậu quả để có được định hướng chung trong việc đưa ra giải pháp xử lý cho thích hợp.

PHẦN II
PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ
1. NGUYÊN NHÂN:
1.1 . Về khách quan:
Do quá trình đô thị hóa, phát triển các Trung tâm thương mại, khu công nghiệp, nhà cao tầng… đòi hỏi phải sử dụng nhiều loại quỹ đất. Theo đó, giá trị đất nông nghiệp cũng ngày một tăng lên, dẫn đến phát sinh khiếu nại đòi lại đất, tranh chấp ngày một gia tăng.
Thủ tục hành chính rườm rà, khó hiểu. Việc tuyên truyền pháp luật ở cở sở chưa tốt dẫn đến người dân chưa hiểu hết trách nhiệm - nghĩa vụ và quyền lợi của mình.
Bộ máy chính quyền cấp phường, xã bấy lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có thể nói là bị xem thường. Khi tuyển dụng cán bộ, viên chức cấp xã không chú trọng việc đề ra chuẩn mực trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nhất định (chủ yếu tuyển dụng bằng “lòng nhiệt huyết”). Vì thế, đội ngũ cán bộ, viên chức cấp xã vừa thiếu, vừa yếu.
1.2 . Về chủ quan:
Cán bộ, công chức là người thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế công tác không phải tất cả cán bộ, công chức đều hiểu và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, một cách đúng đắn, phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao. Trong tình huống này hoặc do đưa đẩy, tránh né trách nhiệm hoặc do thiếu hiểu biết về pháp luật (như công chức xây dựng - điạ chính xã Hóa An) đã làm cho vụ việc thêm phức tạp. Đó là một trong những nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gây khó khăn không đáng có.
Người dân do thiếu hiểu biết về pháp luật đã kiện sai nhưng không được giải thích ngay từ cơ sở; cán bộ quản lý hành chính nhà nước không nắm chắc các quy định của pháp luật nên đã tự tiện giải quyết vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình. Do đó dẫn đến việc ra quyết định hành chính sai.
2. HẬU QUẢ:
2.1. Tại Ủy ban nhân dân xã Hóa An:
Trước tiên phải xác định nội dung của vụ kiện giữa bà Ngọc, các con và anh Đáp là tranh chấp tài sản thừa kế theo di chúc của Ông Sơn. Thực tế là kiện đòi lại quyền sử dụng đất nông nghiệp, tài sản trên đất cũng như tài sản là xe gắn máy.
Trong chương VI, tại mục 2, điều 135 Luật đất đai năm 2003 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004) qui định:
- “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai”.
Như vậy Ủy ban nhân dân xã Hóa An sau khi nhận đơn của bà Ngọc đã không tiến hành tổ chức hòa giải giữa bà Ngọc và anh Đáp mà chuyển ngay đơn đến Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa là trái với qui định của pháp luật.
Cũng trong chương VI, tại mục 2, điều 136, khoản 1- Luật đất đai năm 2003 qui định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
“Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết”.
Do hộ Ông Sơn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho 5 hécta đất nông nghiệp để trồng cà phê và cây ăn trái bằng quyết định hành chính, nên theo qui định, khi đã tiến hành hoà giải mà không thành thì Ủy ban nhân dân xã Hóa An phải hướng dẫn cho các bên tranh chấp nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân chứ không phải tự ý chuyển hồ sơ qua Ủy ban nhân dân thành phố.
2.2. Tại Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa:
Theo qui định, sau khi nhận được đơn kiện của bà Ngọc, do Ủy ban nhân dân xã Hóa An chuyển đến, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa phải giải quyết như sau:
- Xem xét hồ sơ: nếu Ủy ban nhân dân xã Hóa An chưa tiến hành hòa giải thì trả hồ sơ lại và yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Hóa An tổ chức hòa giải giữa bà Ngọc và anh Đáp theo luật định.
- Nếu đã hòa giải rồi mà không thành thì chỉ đạo và chuyển hồ về Ủy ban nhân dân xã Hóa An để hướng dẫn các đương sự nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân để giải quyết vụ khởi kiện tranh chấp. Vì như đã nêu trên, thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là cây cà phê và cây ăn trái giữa bà Ngọc và anh Đáp là thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân.
Như tình huống đã đưa ra, Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận theo nội dung đơn kiện của bà Ngọc là không đúng với qui định:
Như vậy việc Uỷ ban nhân dân thành phố Biên Hoà ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có gắn với tài sản trên đất (cây cà phê và cây ăn trái) là sai với thẩm quyền.
Nội dung xử lý đơn khởi kiện sai với qui định của Pháp luật. Cụ thể là:
1. Đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nên không được phân chia tài sản. Nội dung kiện này sai. Vì đất của hộ gia đình ông Sơn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất (đầu năm 1993 có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước) và đã sử dụng ổn định, lâu dài đến nay. Mặc dù hiện tại hộ gia đình ông Sơn chưa làm thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn là đất được giao hợp pháp.
2. Đất nông nghiệp thuộc thành viên của hộ gia đình nên không được thừa kế cho con nuôi. Vì đất nông nghiệp ở đây là đất trồng cây lâu năm (cây cà phê, cây ăn trái). Theo chương IV, mục 3, điều 113, khoản 5 - Luật đất đai qui định:
“Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.”
Như vậy, ông Sơn có quyền để lại thừa kế cho anh Đáp trong phần diện tích đất của ông trong thành viên hộ gia đình (05 hécta chia 05 người, gồm Ông Sơn, Bà Ngọc, Chị Đẹp, Chị Đào và Anh Đáp: mỗi người là 01 hécta).
3. Gia đình duy nhất có 01 xe gắn máy làm phương tiện (Ông Sơn vẫn còn đứng tên) nên không thể giao cho Anh Đáp. Trong thời gian ông Sơn bị bệnh, anh Đáp không tận tình săn sóc ông Sơn nên không được hưởng thừa kế của ông Sơn.
Nội dung kiện như trên là sai. Vì theo quy định tại phần thứ tư, chương XXII, điều 631-Bộ Luật dân sự “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Theo điều 648 của chương XXIII thì anh Đáp hoàn toàn có đủ điều kiện để hưởng thừa kế của ông Sơn (thừa kế theo di chúc).
Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã giải quyết vụ khởi kiện nói trên không đúng quy định của pháp luật.
Qua phân tích ở trên ta thấy rằng: vụ kiện giữa bà Ngọc và anh Đáp có thể giải quyết được ngay tại Ủy ban nhân dân xã Hóa An, thông qua bước hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã. Có như vậy sẽ hạn chế tình trạng kiện tụng, khiếu nại đến nhiều cấp, nhiều nơi, gây phức tạp mà vẫn không giải quyết đến nơi, đến chốn, đúng pháp luật.

PHẦN III
XÁC ĐỊNH YÊU CẦU MỤC TIÊU KHI XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
* Mục tiêu chung:
-Đảm bảo kỷ cương pháp luật, phù hợp với nguyên tắc cơ bản mà Hiến pháp đã nêu: đất đai thuộc sở hữu của toàn dân.
-Giảm tối đa các mức thiệt hại kinh tế (nếu có), bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân.
-Giải quyết hài hòa giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, các lợi ích kinh tế - xã hội và tính pháp lý.
-Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
* Mục tiêu của việc xử lý tình huống được đưa ra là vụ kiện về tranh chấp tài sản thừa kế theo di chúc giữa hộ gia đình bà Ngọc và anh Đáp. Vậy ta phải xác định rõ:
+ Đối tượng cần giải quyết?
+ Cấp nào, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ khởi kiện trên đúng theo quy định của pháp luật?
+ Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vụ kiện được xác định như thế nào?
+ Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tranh chấp.
+ Làm thế nào để giải quyết nhanh, có hiệu quả cao đối với các vụ việc hành chính trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Thế nhưng do cách giải quyết của các cấp chính quyền ở thành phố Biên Hòa (từ xã đến thành phố) không đúng theo quy định của pháp luật nên đã dẫn đến hậu quả là:
+ Từ vụ kiện tranh chấp quyền thừa kế trở thành vụ khiếu nại đối với quyết định hành chính của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
+ Đã làm phức tạp thêm tình hình, từ khởi kiện rồi đến khiếu nại kéo dài, qua nhiều cấp, nhiều nơi giải quyết nhưng vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn trong tranh chấp.
Để đạt được các mục tiêu trên, cần phải căn cứ vào cơ sở pháp luật. Phân tích được nguyên nhân và hậu quả của vụ việc. Từ đó tìm ra giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề. Đồng thời cũng qua đó đúc kết được kinh nghiệm quý báu trong việc giải quyết vụ việc hành chính đối với cơ quan quản lý hành chính Nhà nước sao cho hợp tình, hợp lý.

PHẦN IV
XÂY DỰNG, PHÂN TÍCH VÀ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
Như đã phân tích ở trên, phương án giải quyết tình huống đã đặt ra như sau:
A. Phương án 1: giả thuyết.
Nếu mọi công dân đều được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nơi đến chốn thì sẽ không có khiếu kiện, khiếu nại xảy ra.
Tất cả cán bộ, công chức từ phường, xã đến thành phố đều làm việc tập trung, có trách nhiệm cao; nắm vững luật pháp, quy trình… thì không có khiếu kiện, khiếu nại xảy ra.
B. Phương án 2: thuyết phục, giáo dục.
Phương án này áp dụng đối với các trường hợp đơn giản, tính chất mức độ sự việc không nghiêm trọng. Chỉ đạo tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể để thuyết phục, giải quyết.
- Ưu điểm: đơn giản, không tốn kém, giữ được mối quan hệ tình cảm, láng giềng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới tại cộng đồng khu dân cư, văn minh, lịch sự.
- Nhược điểm: Phải xây dựng được các tổ chức đoàn thể đủ mạnh, uy tín, có kiến thức, có hiểu biết về pháp luật thì mới giải quyết có tình có lý, hài hòa giữa hai bên. Ngược lại, kỷ cương, phép nước dễ bị xem nhẹ.
C. Phương án 3: các cơ quan chuyên môn cùng cấp sẽ giúp Ủy ban nhân dân cấp mình đề ra biện pháp hợp lý, đúng pháp luật.
- Ưu điểm:
Thực hiện đúng kỷ cương, phép nước. Thể hiện được tính nghiêm minh của Pháp luật và quyền lực của nhà nước.
- Khuyết điểm:
Nếu xử lý không khéo thì đây là cơ hội phát sinh cho tiêu cực, nhũng nhiễu.
Cụ thể:
1 – Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai:
Đơn của anh Đáp là khiếu nại đối với quyết định hành chính đầu tiên. Do đó, phải chuyển đơn về ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa để giải quyết khiếu nại (theo điều 2 và điều 3 Luật Khiếu nại, tố cáo).
Phát hiện được Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa ra quyết định hành chính không đúng thẩm quyền, bỏ qua trình tự hòa giải từ cơ sở. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành Quyết định hành chính của mình. Đồng thời yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Hóa An giải quyết vụ kiện theo quy định của pháp luật.
2 – Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa:
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của anh Đáp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chuyển đến, cùng ý kiến chỉ đạo thì Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa cần tiến hành:
- Nhanh chóng ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính của mình (theo điều 35 - Luật khiếu nại tố cáo).
Chuyển đơn của hộ gia đình bà Ngọc cùng hồ sơ đến Ủy ban nhân dân xã Hóa An. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Hóa An tiến hành hòa giải tranh chấp quyền thừa kế tài sản theo quy định của Pháp luật.
3 – Đối với Ủy ban nhân dân xã Hóa An:
Sau khi nhận lại đơn của hộ bà Ngọc do Ủy ban nhân dân thành phố chuyển đến, tiến hành mời đương sự và các bên liên quan tiến hành hòa giải theo quy định của Pháp luật về quyền thừa kế tài sản.
+ Nếu hòa giải thành thì lập biên bản hòa giải thành và kết thúc vụ việc.
+ Nếu hòa giải không thành thì lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân để giải quyết.
D. Phương án 4: chuyển hồ sơ qua Tòa án nhân dân giải quyết.
Ưu điểm:
- Đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Khuyết điểm:
- Có thể mất đi tình làng nghĩa xóm.
- Kỷ cương pháp luật dễ bị xem nhẹ nếu xử lý không hợp lý.
Sau khi nhận được đơn và các hồ sơ pháp lý liên quan của người khởi kiện, căn cứ vào các quy định của Pháp luật Toà án nhân dân xem xét:
oNăng lực hành vi của các chủ thể.
oLoại đất được hưởng thừa kế.
oTính hợp pháp của di chúc để thừa kế.
oDiện tích đất để thừa kế theo di chúc so với phần diện tích của mỗi thành viên hộ gia đình ông Sơn.
oTổng diện tích đất sau khi được hưởng thừa kế của hộ gia đình anh Đáp so với hạn mức quy định của Pháp luật.
oTính hợp pháp về quyền sử dụng đất đã để thừa kế.
oĐối tượng sử dụng đất sau khi được hưởng thừa kế, có thuộc đối tượng sử dụng đất hay không.
Toà án nhân dân xem xét và thụ lý vụ án, đồng thời thông báo cho người khởi kiện đến làm thủ tục nộp tạm ứng án phí.
PHẦN V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN
Phân tích các phương án giải quyết tình huống nêu trên:
-Phương án 1: giả thuyết, không chọn.
-Phương án 2: Vì đã có quyết định hành chính sai nên áp dụng phương án này không khả thi.
Vậy ta chọn phương án 3 kết hợp với phương án 4: các cơ quan chuyên môn cùng cấp sẽ giúp Ủy ban nhân dân cấp mình thực hiện phương án. Cụ thể là cơ quan địa chính các cấp từ tỉnh đến xã sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo phương án 3. Nếu giải quyết không thành thì chuyển sang phương án 4. Cụ thể như sau:
1.Các cấp Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố:
Sẽ tiến hành giải quyết như đã trình bày ở phần phương án 3.
2.Đối với Ủy ban nhân dân xã:
Trong quá trình hòa giải phải luôn luôn tôn trọng ý chí của mỗi bên đương sự tham gia khiếu kiện. Nếu như các bên đương sự khởi kiện (hộ bà Ngọc và anh Đáp) cùng thống nhất ý chí (và kết quả giải quyết khác so với ban đầu thì cũng phải ghi biên bản hòa giải thành theo ý chí mà họ đã cùng thống nhất).
Trường hợp hòa giải không thành thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để đáp ứng ý chí của mỗi bên và nhất thiết phải đưa ra Tòa án nhân dân để giải quyết.
3.Đối với Tòa án nhân dân:
Nếu hòa giải không thành ở Ủy ban nhân xã thì Tòa án nhân dân tiến hành giải quyết như sau:
- Tổ chức hoà giải giữa hộ bà Ngọc và anh Đáp Trường hợp hòa giải không thành thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để đáp ứng ý chí của mỗi bên để giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Về chủ thể tham gia vụ kiện: tất cả các thành viên (bà Ngọc, chị Đẹp, chị Đào và anh Đáp) đều đủ năng lực hành vi để tham gia xét xử trước Tòa. Chị Đẹp và Chị Đào là giáo viên tiểu học, vẫn chưa lập gia đình, phụ giúp công việc cùng bà Ngọc.
- Loại đất để thừa kế là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (cà phê và cây ăn trái) của hộ gia đình đã có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sử dụng ổn địng từ năm 1993 đến nay. Do đó, đất được sử dụng hợp pháp, được quyền để thừa kế.
Do vậy, các thành viên trong gia đình đều là đồng sở hữu diện tích đất tương ứng và được nhận thừa kế, để lại thừa kế cho người khác sau khi chết. Theo chương IV, mục 3, điều 113, khoản 5 - Luật đất đai qui định:
“Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.”
- Hộ gia đình anh Đáp là hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nên thuộc đối tượng được sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.
- Di chúc của ông Sơn được lập trước khi ông qua đời có công chứng của nhà nước: là di chúc hợp pháp.
- Anh Đáp không phải con ruột của vợ chồng ông Sơn nhưng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết đầy đủ thủ tục pháp lý về việc xin nhận con nuôi. Trong quá trình chung sống, Anh Đáp đã từng tham gia canh tác, trồng trọt, chăm sóc; do đó, anh Đáp vẫn có quyền được hưởng 01 hécta đất trong 05 hécta mà được nhà nước giao cho hộ ông Sơn vào năm 1993 (đồng sở hữu). Hơn nữa, Tòa xem xét quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đó là giao đất canh tác cho số nhân khẩu trong một hộ gia đình.
- Anh Đáp có quyền hưởng thừa kế theo di chúc của ông Sơn (theo điều 648 - chương XXIII - Bộ luật dân sự). Diện tích đất 01 hécta để lại cho anh Đáp theo di chúc là phần đất của ông Sơn trong khối tài sản chung của hộ gia đình (05 hécta chia đều cho năm người, mỗi người là 01 hécta). Tuy nhiên, trong bản di chúc của ông Sơn không được sự thống nhất của gia đình bà Ngọc và các con gái. Ông không nhắc đến vợ và các con gái của ông (có lẽ sự cổ hữu và đầu óc phong kiến vẫn đè nặng với ông trong việc trọng nam hơn). Vì vậy để đảm bảo quyền lợi của các thành viên trong gia đình; đặc biệt là thể hiện được nguyện vọng của Anh Đáp là luôn giữ mối quan hệ tình cảm tốt đẹp là truyền thống và đạo lý của người Việt Nam.
Vì thế, Tòa căn cứ vào điều 669 - Bộ luật dân sự năm 2005: là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc để quyết định việc phân chia 01 hécta đất và 01 xe gắn máy do Ông Sơn để lại trong di chúc:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này”.
Theo đó, Bà Ngọc là người được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Cụ thể như sau:
Theo Điều 674, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định và Điều 676, những ngư¬ời thừa kế theo pháp luật đư¬ợc quy định theo thứ tự hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ng¬ười chết. Như vậy, Bà Ngọc là vợ, Chị Đẹp, Chị Đào con ruột và Anh Đáp là con nuôi. Nếu chia thừa kế theo pháp luật thì 01 hécta đất nông nghiệp của ông Sơn để lại được chia ra làm 4 phần: gồm Bà Ngọc 0,25 ha, Chị Đẹp 0,25 ha, Chị Đào 0,25 ha và Anh Đáp 0,25 ha, nhưng Ông Sơn đã lập di chúc để lại toàn bộ 1 ha cho Anh Đáp.
Do đó, theo quy định trên Bà Ngọc đuợc hưởng 2/3 của suất thừa kế theo pháp luật tương đương với 0,167 ha và Anh Đáp được hưởng 0,883 ha (Chị Đẹp và Chị Đào không được hưởng phần di sản do đã thành niên và hiện cả hai chị đang là giáo viên của trường tiểu học xã Hóa An.
- Tương tự đối với chiếc xe gắn máy (01 chiếc) tuy là do ông Sơn đứng tên nhưng tòa đã xác định đây là tải sản chung sau hôn nhân. Do đó, sau khi tính giá trị (10 triệu đồng) thì Ông Sơn và Bà Ngọc được chia đôi: mỗi người được hưởng 5 triệu đồng. Nếu Anh Đáp toàn quyền sở hữu xe gắn máy thì phải trả một số tiền tương đương với 2/3 của suất thừa kế theo pháp luật đối với chiếc xe cho Bà Ngọc là 83.333 đồng (Chị Đẹp và Chị Đào không được hưởng phần di sản do đã thành niên và hiện cả hai chị đang là giáo viên của trường tiểu học xã Hóa An.
Căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, Tòa án sẽ xử lý vụ kiện như sau:
+ Bảo vệ quyền được hưởng 01 hécta đồng sở hữu và hưởng thừa kế 0,833 hécta đất trồng cây cà phê và cây ăn trái của do ông Sơn để lại theo di chúc cho anh Đáp: tổng cộng 1,833 hécta.
+ Anh Đáp được quyền sở hữu xe gắn máy do Ông Sơn để lại theo di chúc với điều kiện phải trả một số tiền cho Bà Ngọc là 83.333 đồng.

PHẦN VI
KẾT LUẬN : ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ.
Tất cả các vụ khởi kiện về tranh chấp quyền sử dụng đất có thể giải quyết thành ở cấp cơ sở (cấp xã) khi cán bộ quản lý hành chính nhà nước cấp xã thông hiểu pháp luật, có kiến thức chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm cao. Ngược lại, thì làm cho sự việc hành chính trở nên rắc rối; phát sinh khiếu nại từ cơ sở, gây ra sự mất đoàn kết và xáo trộn trong nội bộ nhân dân, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Do đó, trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước yêu cầu về tiêu chuẩn hóa các chức danh cán bộ, công chức và đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng công chức nhà nước thành đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có năng lực và tận tụy phục vụ nhân dân là hết sức cần thiết và bức bách hiện nay.
Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã đề ra Nghị quyết về việc “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách một bước nền hành chính nhà nước”. Trong đó ghi rõ: “Tiến hành sửa đổi bổ sung thể chế và đề cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân không cần đưa xử ở Tòa án”. Vì vậy, việc nâng cao trình độ của cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn là việc làm hết sức cần thiết. Cần phải chú trọng tối đa đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở cơ sở. Có chế độ đãi ngộ và chế độ thu hút xứng đáng để họ an tâm làm việc hết mình, nâng cao hiệu suất công tác phục vụ nhân dân.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước bằng chủ trương, đường lối của Đảng. Đảng phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chủ trương, đường lối của mình.
Quốc hội thành lập Ủy ban chuyên trách nghiên cứu làm luật. Phối kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng luật. Nên thành lập “Công ty Ý tưởng” để buôn bán, trao đổi, hiến kế… nhằm làm giàu kho chất xám phục vụ cho các đề án, công trình nghiên cứu lớn cấp quốcgia hay xây dựng, bổ sung cho các bộ Luật.
Quản lý nhà nước được thực hiện theo pháp luật là cơ sở chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì vậy, mọi vấn đề thuộc về quản lý phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm.
Cần tăng cường tổ chức việc giáo dục pháp luật đến tận cơ sở; làm cho mọi người thông hiểu pháp luật. Thực hiện “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Giáo dục pháp luật cho công dân phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi. Các bộ luật cơ bản của nước ta phải được đưa vào thành môn học ngoại khóa cho học sinh phổ thông và tổ chức sinh hoạt theo tình huống tháng hoặc tuần/lần; sắm vai hoặc phiên tòa giả định sao cho thật sự thu hút, vui, dễ nhớ. Để sau này các em có một số kiến thức cơ bản, không chỉ góp phần nào cho sự hiểu biết về pháp luật của bản thân mà còn tham gia thuyết phục cho người thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Phải thực hiện cải cách hành chính trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai nhà ở, tránh gây phiền hà, hạch sách nhũng nhiễu nhân dân. Cần lưu ý nhất là khâu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở sao cho nhanh chóng, dễ dàng. Trên thực tế, rất ít nơi thực hiện đúng cam kết này. Cũng như rất ít người dân làm được thủ tục này mà không qua đối tượng “trung gian”, người ta thường gọi là “cò”.
Và điều sau cùng là thường xuyên tạo điều kiện nâng cao trình độ về mọi mặt nhất là kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ từ cơ sở đến thành phố, tỉnh… những người thường xuyên trực tiếp làm việc với người dân./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Giáo trình quản lý hành chính nhà nước của Học viện hành quốc gia.
2.Luật đất đai năm 2003 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004).
3.Luật khiếu nại, tố cáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành năm 2004.
4.Bộ luật dân sự năm 2005.
5.Một số tài liệu khác.



Tình huống hành chính về xử phạt vi phạm hành chính
________________________________________
1. Do A gây rối trật tự công cộng nên đã bị Chủ tịch UBND xã B xử phạt với số tiền là 200.000vnđ. A không có tiền nộp phạt nên Chủ tịch UBND xã B buộc A lao động công ích tại UBND 10 ngày với công việc là chăm sóc cây cảnh và vệ sinh. Trong thời gian đó, con trâu của nhà ông C vào khuôn viên UB ăn cỏ và đã bị A đánh gãy chân con trâu. Ông C yêu cầu UBND bồi thường nhưng UBND từ chối nên ông C khởi kiện vụ án hành chính. Hỏi có những quan hệ pháp luật nào phát sinh trong mối quan hệ trên?

2. Cách đây 30 tháng, ông Nguyễn Văn An có hành vi xây nhà lấn chiếm đất công. Nay hành vi đó mới bị phát hiện, Chủ tịch UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính đối với An là 500.000vnđ và buộc An phải tháo dỡ phần xây dựng trái phép. Hỏi có những sự kiện pháp lí hành chính nào và quan hệ pháp luật hành chính nào phát sinh trong ví dụ trên?
TRẢ LỜI:
1
Ở tình huống này theo anh có hai quan hệ pháp luật chính là quan hệ pháp luật hành chính cụ thể là quan hệ pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và quan hệ pháp luật dân sự.
- Khi UBND xã xử phạt vi phạm HC đối với A là quan hệ PLHC.

- Còn A đánh gãy chân trâu của C là xuất hiện quan hệ PL dân sự.
Do đó việc ông C khởi kiện vụ án hành chính với UBND là không có cơ sở, do đây không phải do hành vi hành chính hay quyết định hành chính của UBND làm trâu gãy chân mà do A gây ra, nên A phải bồi thường thiệt hại cho C.
2. Ở đây nên hiểu thế nào là sự kiện pháp lý? Sự kiện pháp lý chính là những sự kiện diễn ra trong thực tế làm náy sinh quan hệ pháp luật. Sự kiện pháp lý bao gồm sự biến và hành vi. Như vậy ở ví dụ trên thì không có sự biến mà chỉ có hành vi, đó chính là hành vi xây nhà lấn đất công và quyết định của Chủ tịch UBND.
Quan hệ phát sinh giữa Chủ tịch UBND xã B với anh A là quan hệ pháp luật hành chính. Cụ thể là quan hệ pháp luật hành chính liên hệ - quan hệ phát sinh giữa các chủ thể không có quan hệ lệ thuộc về mặt tổ chức; Chủ tịch UBND xã B là chủ thể xử phạt vi phạm hành chính.

Một số tình huống hành chính đã xảy ra ở thực tế để các bạn tham khảo:

Tình huống 1: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên kinh doanh xăng dầu. Trước đây, nước thải của Công ty vẫn thải ra môi trường thông qua kênh dẫn đổ ra sông H. Từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 có hiệu lực, có các Đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường lấy mẫu và kết luận doanh nghiệp chúng tôi vi phạm 2 lỗi.

Đó là: Không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải đăng ký với cơ quan có chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; Xả nước thải vào nguồn nước các chất gây ô nhiễm vượt quá TCCP. Vậy 2 lỗi trên quy định ở văn bản luật nào?

Đơn vị nào có quyền ra Quyết định xử phạt? Và Công ty phải nộp phạt bao nhiêu?

Trả lời: Theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT thì Công ty HH đã vi phạm Khoản 4, Điều 15 và Khoản 1, Điều 22 của Nghị định.

Khoản 4, Điều 15 quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải đăng ký với cơ quan có chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Theo Khoản 1, Điều 22, hành vi xả, thải nước thải vào môi trường nước các chất gây ô nhiễm vượt quá TCCP thì bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000.

Quyết định xử phạt này sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ra Quyết định.

Tình huống 2: Đơn vị chúng tôi là một công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Tuy nhiên, qua kiểm tra, quan trắc của cơ quan chức năng, đơn vị đã vi phạm là: Xả nước thải vượt TCCP từ 2 đến 5 lần mà công suất hệ thống xử lý của chúng tôi chỉ khoảng 4.500 m3/ngày đêm; Xả khí thải vượt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường ra Quyết định xử phạt đơn vị 14.500.000 đồng về 2 lỗi vi phạm trên.

Việc xử lý này có đúng thẩm quyền không?


Trả lời: Khoản 5, Điều 10 của Nghị định 81/CP, phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải vượt TCCP từ 2 lần đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3 đến dưới 5.000 m3/ngày.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 11 của Nghị định 81/CP thì: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Thải khí, bụi vượt TCMT cho phép vào môi trường dưới 2 lần.

Như vậy, doanh nghiệp bị phạt 14.500.000 đồng về 2 lỗi trên và Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định là đúng theo các quy định của pháp luật.

Tình huống 3: Một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến tinh bột săn gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Qua phản ánh của chúng tôi, Đoàn kiểm tra xác định doanh nghiệp này đã có vi phạm là: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải của Công ty này là 4.000 m3/ngày.
Vậy công ty này có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có là bao nhiêu tiền?


Trả lời: Hành vi kể trên của doanh nghiệp đã vi phạm Khoản 11, Điều 10, Nghị định 81/CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Theo đó, phạt tiền từ 31.000.000 đồng đến 33.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải vượt TCCP từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày.

Việc xử phạt do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/Thành phố ra Quyết định xử phạt.

4. Ông A là bảo vệ của cơ quan X đã được 9 năm. Ngày 15/8/2006, nhân dịp được lên lương, A đã rủ hai người bạn cùng cơ quan đến liên hoan tại phòng trực vào ca trực của mình. Do nhậu say, cả ba người ngủ mà quên không cài chốt cửa, để kẻ gian đột nhập lấy đi 15 thanh RAM của phòng máy vi tính và một máy quay Camera, trị giá tài sản mất tới trên 10 triệu đồng.
Vậy hình thức xử lý kỉ luật đối với ông A sẽ như thế nào? Nếu ông A khiếu thì thủ tục giải quyết khiếu nại như thế nào?

TRẢ LỜI:
trong trường hợp này thì ông A không hoàn thành nhiệm vụ dẩn đến thất thoát tài sản công ty thì ông A chịu trách nhiệm về tài sản bị mất và một số hình thứ sử lý khác theo quy định của cơ quan như: khiển trách, kỷ luật...

CÂU HỎI:
-Cơ quan A là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1, đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 1.

-Cơ quan B (cấp trên của cơ quan A) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2, đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 (sau khi doanh nghiệp khiếu nại QĐ giải quyết lần 1 của cơ quan A).

-Cơ quan C (cấp trên của B) đã có công văn yêu cầu cơ quan B hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 với lý do nội dung giải quyết khiếu nại không đúng. Tuy nhiên thời điểm cơ quan C yêu cầu cơ quan B hủy quyết định giải quyết lần 2 là 02 năm kể từ khi B ban hành quyết định.

Theo các bạn trường hợp này có đúng hay không? Nếu là B thì phải giải quyết như thế nào cho phù hợp quy định pháp luật. Rất mong nhận được các ý kiến góp ý

No comments :

Post a Comment